Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Tự nhìn mình



Có ba việc chúng ta phải quan sát là việc làm, lời nói và tâm tư của mình. Tâm tư là suy nghĩ, tâm tình, tình cảm. Ba việc đó chúng ta phải quan tâm. Thử hỏi trong ba việc đó chúng ta để ý cái nào nhiều nhất? Có những trường hợp xảy mình nói mà không biết nói gì. Có lúc chúng ta thốt những lời bất cẩn giật lại không kịp. Nếu những lời nói trong lúc bình thường mà mình không quan sát kịp thì trong lúc gặp việc làm sao quan sát kịp. Cho nên luôn luôn phải nhìn lại mình, luôn luôn quan sát mình là dùng nó làm công phu đối phó với những khi gặp việc. Còn không thì những lúc gặp việc xảy ra bất như ý thì chúng ta không kiểm soát được phản ứng của mình, sẽ xảy ra vô số lỗi lầm, sau đó ân hận. Muốn trong lúc gặp việc thì bình thường mình cũng phải quen kiểm soát. Cổ đức có câu thế này:
Nếu như bình nhật không chuyên thiết
Đâu đủ tư lương lúc trở về.

Nếu đời sống bình thường hàng ngày, trong những lúc chưa đau, chưa gặp những việc rắc rối trong gia đình, chưa xảy ra những gì cho chính bản thân mình; bình nhật là ăn ngủ đi đứng bình thường, gia đình chưa ai kêu mình, làm mình phải hoảng hốt, lo sợ. Và chúng ta đang sống trong những lúc bình nhật như thế này mà hoàn toàn không chú tâm, bình nhật không chuyên thiết là không tha thiết với chính mình thì đâu đủ tư lương để trở về. Thì lúc trở về đối diện với sanh tử chính mình không có tư lương. Không đủ tư lương là không đủ vốn liếng, như vậy hỏng hết một đời. Cho nên tôi luôn luôn tha thiết mong các vị trong lúc sống như thế này có những ngày bình thường an ổn. Thời gian rất quý, đó là thời gian bình nhật, bình thường nhất. Phải chuyên thiết, phải đặt vấn đề với chính mình.

Bình nhật không chuyên thiết thì đối diện với sanh tử, đối diện với những vấn đề của chính mình thì có cái gì để chống đỡ, không có gì lấy ra để ứng xử, để đối phó. 

Thân mình đau, nhà mình đau, kêu chỗ này, kêu chỗ kia. Những việc rắc rối của chính mình chúng ta không có đủ tỉnh lực để giải quyết bởi vì bình thường không có dụng công. Nếu chúng ta cứ để thời gian trôi đi. Và như vậy thì bên trong trống rỗng không có gì hết…

(NĐ)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nhìn đúng vấn đề


Vì muốn khuyến khích chúng ta đi sâu vào cuộc đời nên Phật phải lật lại bề trái ngược với lời dạy trước kia của Ngài. Trước kia, vì chúng sanh tham ái nên Phật dạy khổ. Vì đối với người đắm chìm trong tham ái, dục lạc phải nói khổ để chán sợ. Ví dụ như trẻ con thích ăn kẹo, thì mình phải nói là ăn kẹo sún răng, là khổ... nó sợ không dám ăn.
Thật ra nói như vậy cũng chưa thấu đáo hết tính chất của cuộc đời, khi học Phật chúng ta phải suy nghĩ kỹ.
Đức Phật trước đưa cho cây gậy khổ, vô thường để mình nắm, bây giờ muốn quăng cây gậy đi, Ngài nói ở chỗ không khổ cho là khổ, sanh tưởng khổ là điên đảo. Khổ chỉ là ảo tưởng. Buồn vui cũng chỉ là ảo tưởng.
Vậy rốt cuộc cuộc đời là khổ hay vui? Khi nói đời khổ hay vui chúng ta phải nhìn cho thấu đáo vấn đề. Chúng ta nói đời khổ thì hoàn toàn không biết khổ đó là gì. Nếu kêu kể ra sẽ nói, dạ khổ sanh già bệnh chết, nhưng cũng chỉ là nói theo kinh. Trong thâm tâm tận cùng của cuộc đời chúng ta cũng không thấy đó là khổ.
Nhưng nếu nói ngược lại, đời là vui cũng không phải.
Có nghĩa là cuộc đời như thế nào thì hiện ra như thế đấy. Nếu mang mắt kiếng đen chúng ta thấy đời đen hù, nếu mang mắt kiếng màu hồng chúng ta thấy đời màu hồng. Cho nên nói khổ hay vui là do cặp mắt chúng ta đã mang. Cặp mắt kiếng đó đức Phật gọi là kiến chấp điên đảo.
Khổ vui chỉ là nói theo tâm trạng, theo ảo tưởng của mỗi chúng sanh. Các pháp không cố định cho nên gắn cho nó là khổ hay vui cũng đều không đúng. Nói như thế để chúng ta có cái nhìn tỉnh táo trước khi phát ngôn ra vấn đề gì. Các pháp là như vậy, không thể nói khổ hay vui.
Sở dĩ Phật dạy các đệ tử phải quán đời khổ để xa lìa tham dục, sợ đắm nhiễm rồi chết trong đó, đây chỉ là tùy bệnh cho thuốc. Nghe nói đời là khổ rồi sợ cuộc đời này, sợ chúng sanh. Cho nên nói Đôi khi tôi muốn đi xa, xa mặt trời xa loài người. Nhưng tôi vẫn ở đây nghe tim mình đau nhói. Mình nghe đau nhưng người khác thì không đau, chỉ vì cái nhìn khác nhau. Nói điều này để chúng ta biết mình mang mắt kiếng gì để gỡ nó ra. Nó không có gì cố định. Đức Phật gọi là lương y tùy bệnh cho thuốc.
Lúc đầu đối với chúng sanh tham  dục thì Phật dạy xa lìa tham dục, xa lìa cuộc đời, đời là khổ không có gì phải mê, mê là chết. Phải quán cuộc đời toàn là những bộ xương trắng lắc lư, quán cuộc đời là những hầm lửa...
Nhưng tu cách đó cũng không phải. Phật dạy như vậy là vì bị bệnh phải uống thuốc, bây giờ hết bệnh Phật lật trở lại vấn đề, các ông đừng nghĩ đời là khổ. Trong không khổ mà sanh tưởng khổ là điên đảo. Lật lại vấn đề này để chỉ những người trót quán cuộc đời là khổ. Bây giờ phải chỉ cho ra, không có gì phải khổ.
Không nói nó là khổ hay vui, nhìn đúng vấn đề. Các pháp là như vậy thôi. Khổ hay vui là do chính mình, luôn luôn phản quan nhìn lại mình. Và thấy mình trót mang một mắt kiếng. Thấy người đó dễ thương, mình mang mắt kính dễ thương nhìn, dù họ có làm gì mình cũng thấy dễ thương. Từ đi, cười, khóc gì mình cũng thấy dễ thương. Nhưng sẽ có người khác mang mắt kiếng khác nhìn tên đó chẳng có gì dễ thương cả.
Thật ra khi nhìn một người thấy dễ ghét là mình cũng mang một cái kính. Không dễ thương hay dễ ghét gì cả, tự nó là vậy.

Khi ghét cái gì đó chúng ta không thể tiếp cận cái đó được. Muốn phát tâm phải nhìn mặt tốt, mặt an lạc khỏe khoắn. Chúng ta để ý, tu tập là để lật lại cái nhìn của mình. Để bỏ bớt những mắt kiếng thương, ghét, giận hờn, phiền não, tịnh, bất tịnh...
(NĐ)

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Khi ra làm việc


Ra làm việc, đối đầu giao tiếp với tất cả mọi người mà chúng ta có thái độ khăng khăng cố chấp rất khó làm việc.

Muốn nắm được tay người ta dẫn người ta đi, thì người ta phải đưa tay cho mình nắm.

Thái độ của mình cứng ngắc ai mà dám đưa. Người chấp quá tay chân như khúc củi, đâu có ai đưa tay mà nắm được đâu.

Cho nên chúng ta phải uyển chuyển, uyển chuyển mà không mất mình, có thể giúp được người nhưng vẫn giữ được bản tâm chân chánh của mình. Còn uyển chuyển quá coi chừng sau này bị người ảnh hưởng, đi theo người ta thì nguy hiểm. Không phải dễ. Cố chấp không được, nhưng tùy duyên cũng vừa thôi, tùy duyên một lúc rồi biến mất là không được.


Biết người để mình không đả phá cũng không đề cao, chứ không phải không đả phá rồi tin theo.
(NĐ)