Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Quan sát mình


Trong mỗi tư tưởng, trong mỗi hành động của mình mình đều biết rõ mình đang làm gì, biết rõ ý niệm nào khởi lên trong tâm. Đó là từng phút từng giây loại trừ vô minh. Đi biết mình đi. Và cái biết đó là trí tuệ đối kháng lại với vô minh si mê.

Có người đi mà không biết mình đi, nói mà không biết mình nói, cho tới nghĩ cũng không biết mình nghĩ gì. Ý niệm nào khởi lên trong đầu của mình mình cũng không biết. Đó gọi là tùy thuận vô minh. Tùy thuận như vậy thì không bao giờ dứt vô minh được.

Cái thâm sâu nhất là từng ý niệm. Mình ngồi biết mình đang nghĩ gì. Đối diện với một người mình biết rằng mình đang khởi lên niệm gì, biết được những tư tưởng khởi lên trong đầu của mình. 

Có người mình thấy thì thấy, không ảnh hưởng gì, thấy như thấy cột nhà, có đi qua đi lại mình cũng không để ý. Nhưng có người vừa thấy là mình để ý liền. Một là người mình thương, hai là người mình ghét. Chỉ có hai đối tượng đó thôi. 

Thí dụ người mình để ý thương, ở xa nhìn là mình biết liền, mình biết mình khởi niệm thế nào đối với người đó. Với người mình ghét cũng vậy.Vừa thấy đi ngang, có ý niệm là mình biết liền - mình vừa khởi ý giận, bực bội gì đó. Những cái đó vừa khởi lên phải biết liền. Và khi biết như thế là đang đối trị với vô minh. Chỉ cần nhận ra thôi, không làm gì hết.

Và quả nhiên là có một sự bực bội hoặc dễ chịu xảy ra đối với mình khi thấy người này người kia. Chỉ cần bắt được những tư tưởng sẽ xảy ra đối với mình, người đó là người có thể làm chủ được mình. Và đó là đối trị vô minh.

Ngày xưa không có điện thoại, ai tới thăm mình, đứng trước cửa mình mới biết. Còn bây giờ gọi điện báo trước sẽ tới thăm vào ngày mai, chẳng hạn vậy. Nghe như vậy là mình biết ngày mai người đó tới, là người thân của mình hoặc là người mình rất thích. Nghe như thế là tâm mình đã khởi lên niệm dễ chịu. Khi người đó vừa tới cửa, mình còn trong phòng chưa ra nhưng biết rằng gặp người đó mình sẽ vui. Mình đoán được tư tưởng tình cảm, tâm tư của mình sẽ chảy theo chiều hướng như thế. Và khi nhìn lại tâm mình, mình thấy: À gặp người đó mình sẽ vui hoặc bực bội.
Thấy được đường đi nước bước của tâm rất thú vị. Biết nó rồi cho nên khi nó xảy ra mình không bị bất ngờ.

Sở dĩ chúng ta thua cuộc là bị bất ngờ bởi tư tưởng của mình. Thí dụ hai người đang nói chuyện với nhau bất chợt tên kia nói câu gì đó mà xúc phạm tới mình, bất ngờ mình khởi lên một niệm giận là vì mình chưa chuẩn bị kịp. Mình thấy có cái giận tức bùng lên trong tâm. Vì cái giận tức bộc phát nên phải ứng của mình là đối kháng lại, hoặc đỏ mặt, hoặc gây gổ gì đó là vì bị bất ngờ.

Khi chúng ta chậm rãi từ từ luôn luôn quan sát mình, người chậm rãi từ từ luôn luôn quan sát mình không bị bất ngờ bởi những tư tưởng của chính mình. Lâu dần chúng ta sẽ làm chủ được. Trước tiên là biết được tư tưởng của mình, sau đó làm chủ được lời nói và hành động.
(NĐ)

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhìn lại mình



- 27/02
Thường chúng ta thích nghe nói xấu người khác và không thích nghe lời xây dựng. Nó biểu lộ phần nào bản ngã, tật xấu của mình. Chúng ta tu tập có nghĩa là đào sâu hết tận cùng gốc rễ nào còn tồn đọng nơi mình mà không tốt đẹp. Phải nhìn ra nó. Chúng ta phải luôn luôn truy lại mình, nhìn kỹ coi mình còn những cái xấu dở nào. Chúng ta phải thấy được nó, phải chộp được nó.
Thường chúng ta sống rất hời hợt. Tôi muốn chúng ta sống kỹ lưỡng hơn một chút.

Tình cảm của mình, thương cũng vậy mà ghét cũng vậy. Tất cả suy nghĩ lo âu này kia hoặc khi vầy khi khác, tất cả sẽ tới và sẽ đi thôi, không có cái nào ở lại. Nó là vậy. Và đứng trên tất cả đợt sóng vô thường đó mình là người tỉnh mình sẽ thấy, té ra mình là vậy đó hả, mình có những vui buồn thương ghét đó, mình biết, biết nó vậy thôi.
Nêu ra vấn đề để các chúng ta thấy lại mình, nhìn mình biết mình thôi. Tu tập là vấn đề kiên trì với thời gian.

Cho nên cái tu tập không phải là nhất thời, nông nổi mà nó là cái gì đó chảy ngầm trong tâm lúc nào cũng đưa mình tới chỗ tu tập. Cái đó là quan trọng. 

Tu tập cần cái chuyên cần của chính mình, luôn luôn quay về, luôn luôn hỏi mình, luôn luôn nhận xét, luôn luôn tỉnh để thấy rõ chính mình. Cái đó mới giúp cho cái tu tập của mình vững được. Trải qua rất nhiều biến cố của cuộc sống và tôi thấy là rốt cuộc chỉ còn lại sự tỉnh táo của chính mình mà thôi. Cái đó mới cứu giúp mình.


Tu tập là luôn luôn quay lại hỏi mình. Chúng ta có thể phạm lỗi lầm, có thể sơ sót nhưng cái quan trọng là thấy được sơ sót của mình. Thấy để sửa. Thầy bạn cũng không đi sâu vào tâm tư của mình để nhắc hết được đâu. Nhưng chỉ có chính mình thấy được mình nhắc nhở chính mình mà thôi.

(Trích "Đối diện chính mình" TKNĐ)

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Ma là gì?



Ma là gì? Là những cái yếu ớt dật dờ, mộng tưởng mông lung, không đáng kể, chỉ cần tỉnh giác. Khi mình tỉnh thì đã có sức mạnh rồi, không ngán.


Sức tỉnh của mình mạnh hơn sức phá hoại của ma. Bởi vì sức tỉnh chính là nội lực của chính mình.

Cho nên dù sống trăm ngàn đời, dù trải qua bao thử thách, với những thế lực gì đi nữa, mình cũng chỉ tỉnh mà thôi. Đây là cái mạnh nhất, hữu hiệu nhất để đối trị với những tập khí khó trừ.

Sự nuôi dưỡng, sự tập luyện của chúng ta là tỉnh. Tỉnh trước những cái đối duyên xúc cảnh. mà muốn vậy trước tiên chúng ta phải tỉnh tự trong tâm của mình, vọng khởi lên biết, đó là biết.

và chúng ta tập hoài như thế, thì khi những nghịch cảnh thuận cảnh vừa chạm tới mình, nếu không quen tỉnh thì đành đưa hai tay cho nó trói dẫn đi.

Chỉ vậy thôi.

(Trích Đối Diện với Chính Mình - TKNĐ)

Cần đặt câu hỏi

Không ai hỏi mình hết. Không ai đặt câu hỏi với mình, nhưng cuộc đời sẽ đặt câu hỏi cho mình.

Mình từ trước tới giờ hay phụ giúp người, làm gì cũng phụ giúp hết lòng, nhưng sao không ai phụ mình hết?

Đó cũng là một câu hỏi.

Phải đặt những câu hỏi đó. Đó là khám phá ra chính mình. Khi nào được sức tự tin sẽ trả lời được câu hỏi đó.

Còn không, mình sẽ thắc mắc hoài. Ở chỗ nào mình cũng sẽ đặt câu hỏi đó, càng thắc mắc càng khổ tâm. Ở nơi này cảm thấy không an ổn, đi nơi khác cũng không an ổn bởi câu hỏi đó.

Người tu tập mà an ổn rồi thì tất cả câu hỏi đều có câu trả lời.


(Trích  Đối Diện với Chính Mình - TKNĐ)