Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhìn lại mình



- 27/02
Thường chúng ta thích nghe nói xấu người khác và không thích nghe lời xây dựng. Nó biểu lộ phần nào bản ngã, tật xấu của mình. Chúng ta tu tập có nghĩa là đào sâu hết tận cùng gốc rễ nào còn tồn đọng nơi mình mà không tốt đẹp. Phải nhìn ra nó. Chúng ta phải luôn luôn truy lại mình, nhìn kỹ coi mình còn những cái xấu dở nào. Chúng ta phải thấy được nó, phải chộp được nó.
Thường chúng ta sống rất hời hợt. Tôi muốn chúng ta sống kỹ lưỡng hơn một chút.

Tình cảm của mình, thương cũng vậy mà ghét cũng vậy. Tất cả suy nghĩ lo âu này kia hoặc khi vầy khi khác, tất cả sẽ tới và sẽ đi thôi, không có cái nào ở lại. Nó là vậy. Và đứng trên tất cả đợt sóng vô thường đó mình là người tỉnh mình sẽ thấy, té ra mình là vậy đó hả, mình có những vui buồn thương ghét đó, mình biết, biết nó vậy thôi.
Nêu ra vấn đề để các chúng ta thấy lại mình, nhìn mình biết mình thôi. Tu tập là vấn đề kiên trì với thời gian.

Cho nên cái tu tập không phải là nhất thời, nông nổi mà nó là cái gì đó chảy ngầm trong tâm lúc nào cũng đưa mình tới chỗ tu tập. Cái đó là quan trọng. 

Tu tập cần cái chuyên cần của chính mình, luôn luôn quay về, luôn luôn hỏi mình, luôn luôn nhận xét, luôn luôn tỉnh để thấy rõ chính mình. Cái đó mới giúp cho cái tu tập của mình vững được. Trải qua rất nhiều biến cố của cuộc sống và tôi thấy là rốt cuộc chỉ còn lại sự tỉnh táo của chính mình mà thôi. Cái đó mới cứu giúp mình.


Tu tập là luôn luôn quay lại hỏi mình. Chúng ta có thể phạm lỗi lầm, có thể sơ sót nhưng cái quan trọng là thấy được sơ sót của mình. Thấy để sửa. Thầy bạn cũng không đi sâu vào tâm tư của mình để nhắc hết được đâu. Nhưng chỉ có chính mình thấy được mình nhắc nhở chính mình mà thôi.

(Trích "Đối diện chính mình" TKNĐ)