Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Im lặng, đôi khi


Đôi lúc là vậy, chúng ta không muốn nói nữa khi đã quá sức để giải thích.

Dừng lại một chút để thấy, nếu gặp sự im lặng của nhau, hiểu sự mỏi mệt về nhau, khi mỗi bên đã hết sức mình để giải thích cho bên kia hiểu.

Rồi thì ai cũng có cảm giác bên kia không quan tâm để hiểu.

Mọi điều bắt đầu để tháo gỡ, bao giờ cũng bắt đầu từ lắng nghe chính tâm mình trước!

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Chỉ bận phủ nhận



Chúng ta thường phủ nhận sai lầm của mình, nên khó mà học được gì từ tổn thương hay thất bại vừa qua.


Có những lời thật đơn giản như khoảng trời xanh, giữa đám mây đen dầy đặc kia, đánh thức một tâm thức luôn ngủ mê trong ảo tưởng của chính mình! 

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Bình an!


Tất cả theo ý, dù chỉ là sự vâng lời của người nhỏ hơn mình, mình mới bình an. Đó là điều quen thuộc, có thể cảm nhận ngay lời này.

Nhưng câu bên dưới nói về một điều, bất ngờ với một tâm luôn mong muốn mọi sự theo ý để bình an.

Một lời đơn giản, giúp tâm chúng ta đang lao xao, có thể nghĩ lại về chính mình.


Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Những gì người khác nghĩ


Để ý tâm mình, chúng ta thấy rõ buồn vui hàng ngày chỉ vì nhận xét của người về mình.

Là tù nhân của những lời vu vơ, đôi khi của một ai đó bất chợt nói. Khi hỏi lại, bạn sẽ được nghe trả lời, "nói vậy chứ không có ý gì", nhưng chúng ta đã bị giam cầm trong lời nhận xét vu vơ đó cho đến tận lúc người kia mở ra.

Bình tĩnh trước những nhận xét chừng như quá khắc nghiệt của một ai đó, bình tâm trước những khen tặng quá đáng của một ai đó. Có lẽ chính là điều câu nói đơn giản của Lão Tử nhắc chúng ta.

Vui buồn chừng mực, cũng là bình tâm tránh bị cột vào bởi khóa bằng vàng của ngôn ngữ.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Quà tặng cho mình


Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể tặng cho chính mình, là tha thứ, bỏ qua những gì bạn gây thương tổn cho mình.

Ngẫm nghĩ thấy đúng, vì khi buồn giận ai, sự đè nặng trên tâm chính mình về sự buồn giận đó.

Thôi thì, một lần tặng cho mình một món quà đặc biệt này vậy! 
Tặng sự bỏ qua những điều đã làm phiền mình, để cho nhau nhẹ nhàng.

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Khó mà nói được


Đôi khi, đôi khi bạn nhỉ.
Không nói chỉ vì thật khó để người bên cạnh hiểu được điều đó.

Khi thấy người không chia sẻ với mình, chỉ vì chính mình không đủ sức để chấp nhận điều nghe nói! 




Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Ai cũng có được



Đôi lúc kiến thức rộng lại không thể giúp được bạn mình, chỉ cần lắng nghe với một tâm chia sẻ nỗi đau bạn đang chịu, sự sẵn lòng làm những gì bạn đang cần giúp đỡ.

Có những điều quá đơn giản lại vô cùng khó khăn tặng cho nhau!

Xin dành chút thời giờ cho nhau một trái tim thông cảm,
một sự lắng tâm để nghe,
và sự sẵn lòng làm một điều gì đó cho bạn.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Ba thời


Những gì hiểu trên ý thức sẽ không giúp nhiều cho chính mình trước những biến động. Từ những gì đã hiểu, để là mình, thì chính trong từng giây phút trôi qua có nhận biết chính mình hay không.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Chỉ còn trong kí ức


Có những lời đơn giản, có dịp đọc lại, biết rằng chính mình đã không biết giá trị khoảnh khắc đó, cho đến khi chỉ còn trong kí ức, và thầm tiếc, sao lúc đó chúng ta quá ơ hờ cho những lần còn được gặp gỡ.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Một đời bận rộn


Đôi khi chúng ta nói rằng bận "busy", bận rộn và bận rộn đến không có thời giờ cho chính mình!

Có thể rằng vừa đi vừa ăn, và tranh thủ chợp mắt trên đường đến sở. Nhưng thời gian nhìn để hiểu chính mình, thì chắc là tìm được nhiều hơn như thế! Nhưng lại không biết lúc nào tìm ra!

Câu nói trên đơn giản, nhưng đúng là nếu chúng ta thực sự quan tâm cho sự bình yên của mình, chúng ta sẽ tìm ra thời giờ cho tâm mình.




Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Khi bạn cho phép


Những gì quanh chúng ta thật đơn giản, nhưng chúng ta ít khi để ý.

Nước biển không thể làm chìm chiếc tàu kia, trừ khi nước vào được trong tàu. 
Chúng ta đều biết rõ là vậy bạn nhỉ!

Nhưng khi hoàn cảnh  tác động lên chính mình, thì mình lại không để ý rằng, chính mình đã cho phép điều đó khuynh loát và nhận chìm tâm mình trong đau khổ!

Nhưng để làm được điều này phải luôn có thói quen nhận biết, chính mình đã để mọi thứ ngoài mình làm chủ mình!

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Đừng nghĩ quá nhiều


Đừng nghĩ quá nhiều về một việc vừa xảy ra, chúng ta sẽ làm nó quan trọng và nặng nề thực chất của việc đó.

Có những lời rất đơn giản, đủ nhắc chúng ta dừng bớt suy nghĩ. Nhưng sự việc có thể dừng được khi chúng ta có thói quen dừng suy nghĩ. Và sự tu học chính là giúp chúng ta có thói quen nhanh tỉnh giác, nhanh dừng lại những suy tưởng vẽ vời khiến sự việc thêm gánh nặng cho tâm.

Lời nhắc nào cũng hay, nhưng thói quen ứng dụng được, mới thực sự giúp chúng ta an bình.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Bắt đầu chọn lựa


Nếu vậy, ai cũng biết hoàn cảnh mình đang sống là kết quả do những gì mình đã tạo. Nếu chúng ta không bằng lòng hoàn cảnh chúng ta đang sống, thì đây chính là thời khắc bắt đầu cho chọn lựa mới.

Nhưng thường chúng ta mải bận buồn phiền những điều đang không như ý, nên không kịp để có chọn lựa khác hơn. 

Nếu chúng ta tin chắc rằng, người thay đổi hoàn cảnh sống của mình là chính mình, thì có lẽ đỡ trách móc muộn phiền, bạn nhỉ. Và hòan cảnh khác hơn chỉ khi tâm tư chúng ta có thay đổi tận gốc rễ.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Một chương trong đời



Không hẳn đây là câu chỉ nói về tình, mà nhắc chúng ta về mọi điều đến và đi trong đời mình. Chia tay, chúng ta đã trải qua biết bao cuộc chia tay đau lòng, từ người cho đến cảnh sống! Ngẫm nghĩ lại thấy chỉ là một đoạn đường trong đời mình.


Lời nhắc này rơi đúng lúc khi chúng ta đang tưởng rằng mọi thứ chấm dứt thì mình cũng chấm dứt, nhưng buồn vui rồi trôi qua, chúng ta có thể tiếp tục một trang mới với tất cả nhiệt tình, như xưa,  bạn nhỉ.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Kiên nhẫn đến rằm


Tôi để em đêm rằng trăng sáng,
Như Thầy để tôi trăng sáng đêm rằm.


Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Một lời xin lỗi



Có những lời đơn giản như một lời xin lỗi, nhưng thật khó nói.
Bởi không thể qua được tự ái vì sự va chạm vừa qua.

Câu nói này là một lời nhắc thật hay, mình xin lỗi không phải vì sự sai hay đúng mà chỉ vì mối tương giao giữa mình và người có giá trị hơn sự chấp chặt về đúng sai của mình.

Đôi lúc chỉ vì quá tự ái mà đành đứng im nhìn mối tương giao gãy đổ chỉ bởi một lời xin lỗi cùng nhau không thể thốt lên được.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

đêm khuya


-----------------------
Chuyện thường ngày
-----------------------

Đêm khuya càng vắng lặng, càng nghe rõ tiếng tíc tắc của đồng hồ. Khi tâm tạm yên mới nhìn rõ những sinh khởi trong tâm.

Khi chúng ta chưa thấy rõ những khởi nghĩ trong tận sâu xa, thì mọi giải quyết dường như chỉ mới trên bề mặt.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Chìm sâu đến đâu


Xúc phạm một ai đó dễ như ném viên đá xuống biển, nhưng bạn có biết viên đá chìm sâu đến đâu?

Một lời nhắc thật đáng giật mình, khi bực dọc, chúng ta dễ dàng buông ra một lời, nhưng lời đó cứa sâu vào tâm người nghe đến đâu, thật khó lường!

Đôi khi chỉ là một lời nói đùa xem chừng vô tội vạ, nhưng xúc phạm làm tổn thương nặng nề người bị đem ra làm trò đùa đó.

Viên đá hay viên sỏi hay tảng đá! Dù là một viên sỏi nhỏ cũng nên cẩn thận bạn nhỉ.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Điều quan trọng


Có một ngày nào đó trong cuộc sống, bạn biết được điều này!




(Các bạn gởi lời dịch Việt, để cùng xem, các bạn nhé)

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Có những điều...

Mời các bạn dịch đoạn này để cùng nhau đọc.




Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Tự nhìn mình



Có ba việc chúng ta phải quan sát là việc làm, lời nói và tâm tư của mình. Tâm tư là suy nghĩ, tâm tình, tình cảm. Ba việc đó chúng ta phải quan tâm. Thử hỏi trong ba việc đó chúng ta để ý cái nào nhiều nhất? Có những trường hợp xảy mình nói mà không biết nói gì. Có lúc chúng ta thốt những lời bất cẩn giật lại không kịp. Nếu những lời nói trong lúc bình thường mà mình không quan sát kịp thì trong lúc gặp việc làm sao quan sát kịp. Cho nên luôn luôn phải nhìn lại mình, luôn luôn quan sát mình là dùng nó làm công phu đối phó với những khi gặp việc. Còn không thì những lúc gặp việc xảy ra bất như ý thì chúng ta không kiểm soát được phản ứng của mình, sẽ xảy ra vô số lỗi lầm, sau đó ân hận. Muốn trong lúc gặp việc thì bình thường mình cũng phải quen kiểm soát. Cổ đức có câu thế này:
Nếu như bình nhật không chuyên thiết
Đâu đủ tư lương lúc trở về.

Nếu đời sống bình thường hàng ngày, trong những lúc chưa đau, chưa gặp những việc rắc rối trong gia đình, chưa xảy ra những gì cho chính bản thân mình; bình nhật là ăn ngủ đi đứng bình thường, gia đình chưa ai kêu mình, làm mình phải hoảng hốt, lo sợ. Và chúng ta đang sống trong những lúc bình nhật như thế này mà hoàn toàn không chú tâm, bình nhật không chuyên thiết là không tha thiết với chính mình thì đâu đủ tư lương để trở về. Thì lúc trở về đối diện với sanh tử chính mình không có tư lương. Không đủ tư lương là không đủ vốn liếng, như vậy hỏng hết một đời. Cho nên tôi luôn luôn tha thiết mong các vị trong lúc sống như thế này có những ngày bình thường an ổn. Thời gian rất quý, đó là thời gian bình nhật, bình thường nhất. Phải chuyên thiết, phải đặt vấn đề với chính mình.

Bình nhật không chuyên thiết thì đối diện với sanh tử, đối diện với những vấn đề của chính mình thì có cái gì để chống đỡ, không có gì lấy ra để ứng xử, để đối phó. 

Thân mình đau, nhà mình đau, kêu chỗ này, kêu chỗ kia. Những việc rắc rối của chính mình chúng ta không có đủ tỉnh lực để giải quyết bởi vì bình thường không có dụng công. Nếu chúng ta cứ để thời gian trôi đi. Và như vậy thì bên trong trống rỗng không có gì hết…

(NĐ)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nhìn đúng vấn đề


Vì muốn khuyến khích chúng ta đi sâu vào cuộc đời nên Phật phải lật lại bề trái ngược với lời dạy trước kia của Ngài. Trước kia, vì chúng sanh tham ái nên Phật dạy khổ. Vì đối với người đắm chìm trong tham ái, dục lạc phải nói khổ để chán sợ. Ví dụ như trẻ con thích ăn kẹo, thì mình phải nói là ăn kẹo sún răng, là khổ... nó sợ không dám ăn.
Thật ra nói như vậy cũng chưa thấu đáo hết tính chất của cuộc đời, khi học Phật chúng ta phải suy nghĩ kỹ.
Đức Phật trước đưa cho cây gậy khổ, vô thường để mình nắm, bây giờ muốn quăng cây gậy đi, Ngài nói ở chỗ không khổ cho là khổ, sanh tưởng khổ là điên đảo. Khổ chỉ là ảo tưởng. Buồn vui cũng chỉ là ảo tưởng.
Vậy rốt cuộc cuộc đời là khổ hay vui? Khi nói đời khổ hay vui chúng ta phải nhìn cho thấu đáo vấn đề. Chúng ta nói đời khổ thì hoàn toàn không biết khổ đó là gì. Nếu kêu kể ra sẽ nói, dạ khổ sanh già bệnh chết, nhưng cũng chỉ là nói theo kinh. Trong thâm tâm tận cùng của cuộc đời chúng ta cũng không thấy đó là khổ.
Nhưng nếu nói ngược lại, đời là vui cũng không phải.
Có nghĩa là cuộc đời như thế nào thì hiện ra như thế đấy. Nếu mang mắt kiếng đen chúng ta thấy đời đen hù, nếu mang mắt kiếng màu hồng chúng ta thấy đời màu hồng. Cho nên nói khổ hay vui là do cặp mắt chúng ta đã mang. Cặp mắt kiếng đó đức Phật gọi là kiến chấp điên đảo.
Khổ vui chỉ là nói theo tâm trạng, theo ảo tưởng của mỗi chúng sanh. Các pháp không cố định cho nên gắn cho nó là khổ hay vui cũng đều không đúng. Nói như thế để chúng ta có cái nhìn tỉnh táo trước khi phát ngôn ra vấn đề gì. Các pháp là như vậy, không thể nói khổ hay vui.
Sở dĩ Phật dạy các đệ tử phải quán đời khổ để xa lìa tham dục, sợ đắm nhiễm rồi chết trong đó, đây chỉ là tùy bệnh cho thuốc. Nghe nói đời là khổ rồi sợ cuộc đời này, sợ chúng sanh. Cho nên nói Đôi khi tôi muốn đi xa, xa mặt trời xa loài người. Nhưng tôi vẫn ở đây nghe tim mình đau nhói. Mình nghe đau nhưng người khác thì không đau, chỉ vì cái nhìn khác nhau. Nói điều này để chúng ta biết mình mang mắt kiếng gì để gỡ nó ra. Nó không có gì cố định. Đức Phật gọi là lương y tùy bệnh cho thuốc.
Lúc đầu đối với chúng sanh tham  dục thì Phật dạy xa lìa tham dục, xa lìa cuộc đời, đời là khổ không có gì phải mê, mê là chết. Phải quán cuộc đời toàn là những bộ xương trắng lắc lư, quán cuộc đời là những hầm lửa...
Nhưng tu cách đó cũng không phải. Phật dạy như vậy là vì bị bệnh phải uống thuốc, bây giờ hết bệnh Phật lật trở lại vấn đề, các ông đừng nghĩ đời là khổ. Trong không khổ mà sanh tưởng khổ là điên đảo. Lật lại vấn đề này để chỉ những người trót quán cuộc đời là khổ. Bây giờ phải chỉ cho ra, không có gì phải khổ.
Không nói nó là khổ hay vui, nhìn đúng vấn đề. Các pháp là như vậy thôi. Khổ hay vui là do chính mình, luôn luôn phản quan nhìn lại mình. Và thấy mình trót mang một mắt kiếng. Thấy người đó dễ thương, mình mang mắt kính dễ thương nhìn, dù họ có làm gì mình cũng thấy dễ thương. Từ đi, cười, khóc gì mình cũng thấy dễ thương. Nhưng sẽ có người khác mang mắt kiếng khác nhìn tên đó chẳng có gì dễ thương cả.
Thật ra khi nhìn một người thấy dễ ghét là mình cũng mang một cái kính. Không dễ thương hay dễ ghét gì cả, tự nó là vậy.

Khi ghét cái gì đó chúng ta không thể tiếp cận cái đó được. Muốn phát tâm phải nhìn mặt tốt, mặt an lạc khỏe khoắn. Chúng ta để ý, tu tập là để lật lại cái nhìn của mình. Để bỏ bớt những mắt kiếng thương, ghét, giận hờn, phiền não, tịnh, bất tịnh...
(NĐ)

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Khi ra làm việc


Ra làm việc, đối đầu giao tiếp với tất cả mọi người mà chúng ta có thái độ khăng khăng cố chấp rất khó làm việc.

Muốn nắm được tay người ta dẫn người ta đi, thì người ta phải đưa tay cho mình nắm.

Thái độ của mình cứng ngắc ai mà dám đưa. Người chấp quá tay chân như khúc củi, đâu có ai đưa tay mà nắm được đâu.

Cho nên chúng ta phải uyển chuyển, uyển chuyển mà không mất mình, có thể giúp được người nhưng vẫn giữ được bản tâm chân chánh của mình. Còn uyển chuyển quá coi chừng sau này bị người ảnh hưởng, đi theo người ta thì nguy hiểm. Không phải dễ. Cố chấp không được, nhưng tùy duyên cũng vừa thôi, tùy duyên một lúc rồi biến mất là không được.


Biết người để mình không đả phá cũng không đề cao, chứ không phải không đả phá rồi tin theo.
(NĐ)

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Quan sát mình


Trong mỗi tư tưởng, trong mỗi hành động của mình mình đều biết rõ mình đang làm gì, biết rõ ý niệm nào khởi lên trong tâm. Đó là từng phút từng giây loại trừ vô minh. Đi biết mình đi. Và cái biết đó là trí tuệ đối kháng lại với vô minh si mê.

Có người đi mà không biết mình đi, nói mà không biết mình nói, cho tới nghĩ cũng không biết mình nghĩ gì. Ý niệm nào khởi lên trong đầu của mình mình cũng không biết. Đó gọi là tùy thuận vô minh. Tùy thuận như vậy thì không bao giờ dứt vô minh được.

Cái thâm sâu nhất là từng ý niệm. Mình ngồi biết mình đang nghĩ gì. Đối diện với một người mình biết rằng mình đang khởi lên niệm gì, biết được những tư tưởng khởi lên trong đầu của mình. 

Có người mình thấy thì thấy, không ảnh hưởng gì, thấy như thấy cột nhà, có đi qua đi lại mình cũng không để ý. Nhưng có người vừa thấy là mình để ý liền. Một là người mình thương, hai là người mình ghét. Chỉ có hai đối tượng đó thôi. 

Thí dụ người mình để ý thương, ở xa nhìn là mình biết liền, mình biết mình khởi niệm thế nào đối với người đó. Với người mình ghét cũng vậy.Vừa thấy đi ngang, có ý niệm là mình biết liền - mình vừa khởi ý giận, bực bội gì đó. Những cái đó vừa khởi lên phải biết liền. Và khi biết như thế là đang đối trị với vô minh. Chỉ cần nhận ra thôi, không làm gì hết.

Và quả nhiên là có một sự bực bội hoặc dễ chịu xảy ra đối với mình khi thấy người này người kia. Chỉ cần bắt được những tư tưởng sẽ xảy ra đối với mình, người đó là người có thể làm chủ được mình. Và đó là đối trị vô minh.

Ngày xưa không có điện thoại, ai tới thăm mình, đứng trước cửa mình mới biết. Còn bây giờ gọi điện báo trước sẽ tới thăm vào ngày mai, chẳng hạn vậy. Nghe như vậy là mình biết ngày mai người đó tới, là người thân của mình hoặc là người mình rất thích. Nghe như thế là tâm mình đã khởi lên niệm dễ chịu. Khi người đó vừa tới cửa, mình còn trong phòng chưa ra nhưng biết rằng gặp người đó mình sẽ vui. Mình đoán được tư tưởng tình cảm, tâm tư của mình sẽ chảy theo chiều hướng như thế. Và khi nhìn lại tâm mình, mình thấy: À gặp người đó mình sẽ vui hoặc bực bội.
Thấy được đường đi nước bước của tâm rất thú vị. Biết nó rồi cho nên khi nó xảy ra mình không bị bất ngờ.

Sở dĩ chúng ta thua cuộc là bị bất ngờ bởi tư tưởng của mình. Thí dụ hai người đang nói chuyện với nhau bất chợt tên kia nói câu gì đó mà xúc phạm tới mình, bất ngờ mình khởi lên một niệm giận là vì mình chưa chuẩn bị kịp. Mình thấy có cái giận tức bùng lên trong tâm. Vì cái giận tức bộc phát nên phải ứng của mình là đối kháng lại, hoặc đỏ mặt, hoặc gây gổ gì đó là vì bị bất ngờ.

Khi chúng ta chậm rãi từ từ luôn luôn quan sát mình, người chậm rãi từ từ luôn luôn quan sát mình không bị bất ngờ bởi những tư tưởng của chính mình. Lâu dần chúng ta sẽ làm chủ được. Trước tiên là biết được tư tưởng của mình, sau đó làm chủ được lời nói và hành động.
(NĐ)

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhìn lại mình



- 27/02
Thường chúng ta thích nghe nói xấu người khác và không thích nghe lời xây dựng. Nó biểu lộ phần nào bản ngã, tật xấu của mình. Chúng ta tu tập có nghĩa là đào sâu hết tận cùng gốc rễ nào còn tồn đọng nơi mình mà không tốt đẹp. Phải nhìn ra nó. Chúng ta phải luôn luôn truy lại mình, nhìn kỹ coi mình còn những cái xấu dở nào. Chúng ta phải thấy được nó, phải chộp được nó.
Thường chúng ta sống rất hời hợt. Tôi muốn chúng ta sống kỹ lưỡng hơn một chút.

Tình cảm của mình, thương cũng vậy mà ghét cũng vậy. Tất cả suy nghĩ lo âu này kia hoặc khi vầy khi khác, tất cả sẽ tới và sẽ đi thôi, không có cái nào ở lại. Nó là vậy. Và đứng trên tất cả đợt sóng vô thường đó mình là người tỉnh mình sẽ thấy, té ra mình là vậy đó hả, mình có những vui buồn thương ghét đó, mình biết, biết nó vậy thôi.
Nêu ra vấn đề để các chúng ta thấy lại mình, nhìn mình biết mình thôi. Tu tập là vấn đề kiên trì với thời gian.

Cho nên cái tu tập không phải là nhất thời, nông nổi mà nó là cái gì đó chảy ngầm trong tâm lúc nào cũng đưa mình tới chỗ tu tập. Cái đó là quan trọng. 

Tu tập cần cái chuyên cần của chính mình, luôn luôn quay về, luôn luôn hỏi mình, luôn luôn nhận xét, luôn luôn tỉnh để thấy rõ chính mình. Cái đó mới giúp cho cái tu tập của mình vững được. Trải qua rất nhiều biến cố của cuộc sống và tôi thấy là rốt cuộc chỉ còn lại sự tỉnh táo của chính mình mà thôi. Cái đó mới cứu giúp mình.


Tu tập là luôn luôn quay lại hỏi mình. Chúng ta có thể phạm lỗi lầm, có thể sơ sót nhưng cái quan trọng là thấy được sơ sót của mình. Thấy để sửa. Thầy bạn cũng không đi sâu vào tâm tư của mình để nhắc hết được đâu. Nhưng chỉ có chính mình thấy được mình nhắc nhở chính mình mà thôi.

(Trích "Đối diện chính mình" TKNĐ)

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Ma là gì?



Ma là gì? Là những cái yếu ớt dật dờ, mộng tưởng mông lung, không đáng kể, chỉ cần tỉnh giác. Khi mình tỉnh thì đã có sức mạnh rồi, không ngán.


Sức tỉnh của mình mạnh hơn sức phá hoại của ma. Bởi vì sức tỉnh chính là nội lực của chính mình.

Cho nên dù sống trăm ngàn đời, dù trải qua bao thử thách, với những thế lực gì đi nữa, mình cũng chỉ tỉnh mà thôi. Đây là cái mạnh nhất, hữu hiệu nhất để đối trị với những tập khí khó trừ.

Sự nuôi dưỡng, sự tập luyện của chúng ta là tỉnh. Tỉnh trước những cái đối duyên xúc cảnh. mà muốn vậy trước tiên chúng ta phải tỉnh tự trong tâm của mình, vọng khởi lên biết, đó là biết.

và chúng ta tập hoài như thế, thì khi những nghịch cảnh thuận cảnh vừa chạm tới mình, nếu không quen tỉnh thì đành đưa hai tay cho nó trói dẫn đi.

Chỉ vậy thôi.

(Trích Đối Diện với Chính Mình - TKNĐ)

Cần đặt câu hỏi

Không ai hỏi mình hết. Không ai đặt câu hỏi với mình, nhưng cuộc đời sẽ đặt câu hỏi cho mình.

Mình từ trước tới giờ hay phụ giúp người, làm gì cũng phụ giúp hết lòng, nhưng sao không ai phụ mình hết?

Đó cũng là một câu hỏi.

Phải đặt những câu hỏi đó. Đó là khám phá ra chính mình. Khi nào được sức tự tin sẽ trả lời được câu hỏi đó.

Còn không, mình sẽ thắc mắc hoài. Ở chỗ nào mình cũng sẽ đặt câu hỏi đó, càng thắc mắc càng khổ tâm. Ở nơi này cảm thấy không an ổn, đi nơi khác cũng không an ổn bởi câu hỏi đó.

Người tu tập mà an ổn rồi thì tất cả câu hỏi đều có câu trả lời.


(Trích  Đối Diện với Chính Mình - TKNĐ)